Tìm hiểu về triết lý thiết kế chiếu sáng nghệ thuật
Khi công nghệ sản xuất đèn phát triển vượt bậc cũng là lúc đánh dấu sự ra đời của triết lý thiết kế chiếu sáng nghệ thuật. Với sự hỗ trợ của công nghệ LED cùng công nghệ lập trình, chiếu sáng nghệ thuật đang trở thành xu thế thiết kế chủ yếu trên toàn cầu. Đây là triết lý thiết kế chiếu sáng vận dụng những bức tường hay những mặt phẳng của công trình làm khung đỡ, làm nơi lắp đặt đèn và bộ điều khiển tín hiệu số nhằm tạo thành một màn điểm ảnh cỡ lớn giúp hiển thị những hiệu ứng ánh sáng khác nhau mà người lập trình muốn thể hiện. Khác biệt so với triết lý thiết kế chiếu sáng kiến trúc, triết lý thiết kế chiếu sáng nghệ thuật lấy những hiệu ứng ánh sáng được trình diễn làm trọng tâm thay vì làm nổi bật đường nét kiến trúc của công trình.
Điều làm nên sự khác biệt đó nữa là chiếu sáng nghệ thuật luôn hoạt động dưới dạng chiếu sáng động, cường độ sáng và màu sắc ánh sáng thay đổi liên tục dựa trên chương trình đã được thiết đặt từ người thiết kế. Màu sắc ánh sáng thường áp dụng là các dải màu phối bởi quy tắc RGB (đỏ - lục - lam) vì vậy mà chiếu sáng nghệ thuật dễ tạo được ấn tượng mạnh mẽ hơn, sinh động hơn, hiện đại hơn và truyền tải thông điệp dễ dàng hơn. Trong số ít trường hợp, để phù hợp với nhu cầu thiết kế của khách hàng hoặc mục đích sự dụng của công trình mà màu sắc chỉ là đơn màu.
Như đã nói ở trên rằng thiết kế chiếu sáng nghệ thuật cho nhiều kết quả về mặt hình ảnh sinh động, nhiều màu sắc và bắt mắt nên lối thiết kế này mang tính chất thương mại và quảng bá nhiều hơn là tính chất chiếu sáng thông thường vì vậy phạm vi áp dụng sẽ hẹp hơn, thường được sử dụng cho các công trình trung tâm thương mại, khách sạn, khu nghỉ dưỡng, khu vui chơi và tham quan du lịch. Với các công trình liên quan đến di tích lịch sử, công trình tôn giáo, viện bảo tang, bệnh viện thường không áp dụng hoặc nếu có thì phải tiết chế trong màu sắc và hiệu ứng.